Brand Hack

BRAND PURPOSE - Founder & câu hỏi tại sao.

10 Feb, 2020 | by Interloka

 

Nếu làm kinh doanh đã bao giờ founder tự hỏi mình rằng điều gì khiến họ sáng sớm bật dậy khỏi giường từ sáng sớm & lao đến văn phòng và trở về nhà cuối ngày muộn, mệt mỏi rã rời thể xác lẫn tinh thần. Nhưng hôm sau họ lại bắt đầu cái vòng quay đó, tự nguyện, háo hức và say mê. 365 ngày một năm. Năm này qua năm khác. Khó khăn chồng chất, áp lực từ môi trường kinh doanh lắm tiêu cực, không hiếm cạnh tranh bẩn. Nhưng họ không từ bỏ.

Có nhiều lý do để cắt nghĩa về một routine - nhịp sống hàng ngày mỗi người chúng ta đang sống. Điều gì khiến một người không từ bỏ một kiểu sống họ đã chọn? Một công việc có ý nghĩa sẽ làm nên chất lượng sống?

Để có sự phát triển bền vững & kinh doanh có ý nghĩa xã hội, các founder cần hiểu rõ Brand purpose - sứ mệnh với xã hội của doanh nghiệp của mình là gì.

Tôi cũng nhiều lần tự lục vấn mình như vậy. Khi tự soi chiếu bản thân, không phải lúc nào tôi cũng tìm thấy câu trả lời thoả đáng. Và những lúc như vậy, tôi lại nhớ đến những lời chia sẻ từ tận đáy lòng của những người tôi đã gặp sau đây.

“Tôi là một tay chơi, vì thế tôi sẽ chăm chút, đầu tư, tìm cách để tạo ra sản phẩm tốt nhất, chinh phục khó khăn và chơi tới cùng. Chỉ có đam mê mới dành hết cuộc đời mình cho cuộc chơi này và không ai cản mình được hết”.

(Ông Lý Ngọc Minh, chủ tịch công ty gốm sứ Minh Long)

“Đúng là 6 năm qua tôi tâm huyết xây dựng Kizuna nhưng đến bây giờ vẫn chưa có lợi nhuận bằng tiền nhưng lại thu được rất nhiều lợi nhuận phi tài chính, đó chính là uy tín thương hiệu, là giá trị mà Kizuna đóng góp được cho cộng đồng và xã hội”

(Ông Đoàn Hồng Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần KIZUNA JV)

“Công việc quá nhiều sẽ cuốn bạn đi. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng nếu bạn không đủ vững vàng, công việc sẽ làm chủ bạn và theo bạn vào cả trong giấc mơ. Bạn cũng chẳng được tự do quyết định như bạn nghĩ. Bởi mọi quyết định của bạn đều được định hướng bởi lãi suất, bởi lợi ích của mỗi bên: của bản thân, của doanh nghiệp, của đối tác, khách hàng, nhân viên vv. Và khi phải ở vùng giao tranh giữa lợi ích mỗi bên, bạn mới thấy khó lấy quyết định thế nào nếu thiếu sự vô tư và công tâm ….. sự trải nghiệm và học hỏi khi ra kinh doanh mới là động lực chính. Họ coi đó là cơ hội thử sức và rèn rũa bản thân để trở nên chuyên nghiệp hơn, giúp họ mài rũa một số phẩm chất hay thực hiện một ý nguyện nào đó. Những động lực đó không có thời gian tính. Bởi mài rũa cá nhân là việc cả đời”.

(Anh Phan Viết Phong, Founder kiêm nhân viên quấn nem nhà hàng Obobun tại Pháp)

Điểm chung các founder của Minh Long, Kizuna hay Obobun (và nhiều doanh nghiệp khác) là ở Brand Purpose rất rõ ràng. Họ hiểu rất rõ ý nghĩa việc họ làm hàng ngày, lý do tại sao doanh nghiệp của họ ra đời, tồn tại & phát triển.

Sau thời gian vượt qua giai đoạn thử thách ban đầu của khởi nghiệp (2-3 năm gì đấy) để sống sót, hầu như founder nào cũng biết cách làm gì và làm như thế nào để tiếp tục phát triển hơn. Không hiếm người trở thành doanh nhân giàu có & thành đạt. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trả lời câu hỏi này: công việc kinh doanh hàng ngày họ đang làm đó có ý nghĩa gì? Không có gì sai khi nói rằng kinh doanh để kiếm tiền. Không có dòng tiền, chẳng thể hiện thực hoá ý nghĩa sứ mệnh cao xa. Sự giàu có là chỉ số quan trọng để định hình giá trị của một doanh nhân. Các tỷ phú Forbes 500 được trọng vọng vì số tài sản chất ngất họ có được. Sự giàu có luôn được xã hội ghi nhận. Nhưng kiếm được nhiều tiền chỉ là một trong những lý do khiến một doanh nhân sống một cuộc sống có ý nghĩa. Ngoài lợi nhuận, doanh nghiệp tồn tại vì mục tiêu nào khác lớn hơn?

Trong một bài báo trên tạp chí Forbes, CEO của Accenture Strategy cho rằng Brand Purpose (trả lời câu hỏi tại sao doanh nghiệp ra đời & tồn tại) ngày càng quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững. Brand Purpose khiến cho bản thân founder kiên định và vững bước với con đường, với triết lý kinh doanh họ đã chọn.

Ở tuổi 70, ông Lý Ngọc Minh vẫn cần mẫn tỉ mẩn từ sáng đến tối để tìm mọi cách đưa ra thị trường những đôi đũa sứ, bộ nồi dưỡng sinh vừa tuyệt đẹp về thẩm mỹ vừa thực sự có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng Việt. Mục tiêu kinh doanh của ông không phải để giàu hơn. Brand Purpose của Minh Long là góp phần mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam một cuộc sống chất lượng hơn và an toàn hơn.

Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng bất tận cho tôi là chuỗi nhà hàng Obobun của anh Phan Viết Phong. Đây là dự án tư vấn cho một thương hiệu quy mô nhỏ nhưng tôi và các cộng sự thấy may mắn nhường nào khi trở thành đối tác của anh Phong. Khi bay sang thành phố Grenoble để thực hiện dự án, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều khách hàng Pháp khác nhau của Obobun. Điều tôi thấy thú vị nhất, nhớ nhất ở họ là sự vồn vã, ấm áp họ dành cho the founder. Không chỉ khi đến ăn tại nhà hàng, ngay cả khi tình cờ gặp anh Phong trên đường phố, họ luôn dành cho anh câu chào, cái ôm cực kỳ thân thiện. Đúng như điều anh Phong ước muốn khi khởi nghiệp, Brand Purpose của Obobun là để mang lại cho người Pháp không chỉ những tô bò bún đúng vị Việt (ẩm thực đúng vị nguồn gốc nơi sinh ra nó tạo nên sự khác biệt). Hơn thế, Obobun là văn hoá ẩm thực Việt có hồn qua cả trải nghiệm sản phẩm lẫn phong cách phục vụ của đội ngũ từ ông chủ đến nhân viên nhà hàng.

Brand purpose, có thương hiệu xác định rõ ràng trước khi khởi nghiệp. Có thương hiệu chỉ nghĩ đến điều này đến một giai đoạn phát triển nào đó, sau khi đã vượt qua giai đoạn cơm áo gạo tiền.

Bring the world closer together. Đây là tuyên bố sứ mệnh gần đây nhất của Facebook. Mark Zuckerberg phát biểu: Xã hội của chúng ta quá chia rẽ. Chúng ta phải có trách nhiệm nhiều hơn, không chỉ là kết nối thế giới mà còn là đem mọi người đến gần nhau hơn. Khi mới thành lập, Facebook không hề có một brand purpose ý nghĩa to lớn như vậy. Ở năm thứ 2 tại đại học Harvard, Zuckerberg đã viết Facemash. Trang web này chỉ có mục tiêu chọn ra những bức ảnh cá nhân của các nhà ký túc trong trường Harvard sau đó người xem có thể lựa chọn bức ảnh nào hot hơn. FaceMash được lấy ý tưởng từ trang Hot or Not đang nổi tiếng trong giới sinh viên Harvard và ảnh thì anh hack được từ dữ liệu trường Harvard.

Không phải tất cả doanh nghiệp tôi gặp cho đến nay đều có một Brand Purpose tuyệt vời như Minh Long, Kizuna, Obobun hoặc Vietjet (phổ thông hoá cơ hội đi máy bay cho số đông), Thái Bình Seed (gạo sạch & ngon cho người Việt) hay Lecon Seafood (hải sản nước lạnh cao cấp khắp nơi trên thế giới giá hợp lý cho số đông). Nhưng điểm chung của các doanh nghiệp có Brand Purpose mạnh mẽ là họ rất nhất quán, kiên định với sứ mệnh đã chọn và có một cuộc sống kinh doanh thực sự có ý nghĩa.

Brand vison

Brand positioning

Brand experience

Nhiều doanh nghiệp hiểu & làm tốt những nội dung quản trị này.

Nhưng để có sự phát triển bền vững & kinh doanh có ý nghĩa xã hội, các founder cần hiểu rõ Brand purpose - sứ mệnh với xã hội của doanh nghiệp của mình là gì.

Ý nghĩa với chính cuộc sống cá nhân của họ, với doanh nghiệp của họ và với xã hội nơi doanh nghiệp của họ có mặt.

 

Đức Sơn

Interloka - Brand Strategy Agency

Share: facebook instagram